"Tại mẹ, tất cả là tại mẹ" câu nói ấy cứ văng vẳng bên tai tôi trong suốt buổi tối ngày hôm nay. Khung cảnh đó giờ đây lại diễn ra trong đầu tôi, cuộc sống sinh viên sau những lần thi cuối môn chúng tôi thường cùng nhau đá bóng hay mở một bữa party nho nhỏ ở nhà một người bạn nào đó. Tối về phòng có 3 người vì mệt nên 3 thằng cùng nhau đi ăn quán chứ không nấu như thường ngày. Khung cảnh bầu trời hôm nay tương đối bình lặng, không có gió nhưng có ánh trăng mờ mờ khuất sau làn mây. Ba thằng sau khi ăn cơm xong rủ nhau đi uống nước ngoài sân vận động mỹ đình. Sau khi đi vòng quanh khu sân vận động chúng tôi chọn một gánh nước nhỏ ở giữa đường rộng trước cửa sân vận động Mỹ Đình. Ngồi vào ghế tôi đã bị ấn tượng bởi 2 đứa trẻ đi cùng mẹ bán nước, chúng tôi gọi ba cốc trà đá - vẫn nhớ như in tiếng nói của một cậu bé có đôi mắt long lanh: "hẳn ba cốc trà đá hả mẹ" trên môi tôi muốn nở nụ cười vì sự hồn nhiên của cậu bé nhưng sợ trẻ cậu bé ngại ngùng. Cậu bé còn có thêm một nhiệm vụ quan trọng là đi dò công an để giúp mẹ bán hàng an toàn hơn. Lý do là ở khu này người ta cấm bán hàng rong, quy cho cùng cũng chỉ vì miếng cơm manh áo mà thôi. Cô bé gái của cô bán nước nhìn cũng khá xinh và thông minh, cũng tầm 6 hay 7 tuổi gì đó, chắc là nhân dịp nghỉ hè đi cùng mẹ bán hàng, hơn thế nữa không khí ngoài đó cũng khá náo nhiệt, nhiều đôi trai gái đi chơi, thả diều cùng nhau. Người mẹ bán hàng rong khuân mặt gầy gò, da ngăm ngăm đen và khuôn mặt hơi buồn một chút. Tôi đoán cũng từng trải và vất vả nhiều, khuôn mặt trải nắng trải gió. Thấy thương hơn nữa là cậu con trai cứ nằng nặc đòi mẹ mua cho món đồ chơi cậu thích được bán gần đó nhưng dường như người mẹ giả vờ như không nghe thấy, tôi đoán chắc chắn rằng không người mẹ nào phớt lờ sự cầu khẩn của một đứa con trai nhưng vì hoàn cảnh nên cách này là phù hợp nhất, không làm tổn thương con nhỏ, cô vẫn miệt mài pha từng cốc nước cho khách. Tôi cảm thấy thương lắm, lúc này tôi nghĩ về mẹ tôi, tại sao có lần tôi tức mẹ chỉ vì những điều nhỏ nhoi nhất trong cuộc sống, sao tôi đòi hỏi quá nhiều vậy, hơn thế nữa là đã nhiều lần cảm thấy thù oán vì không được đáp ứng. Có lẽ tôi sai và không chỉ riêng tôi nhiều người cũng đã từng như vậy, bạn hãy đi và chứng kiến nhiều cảnh sẽ thấy mình còn tươi đẹp hơn nhiều người. Câu chuyện không dừng lại ở đây, ngồi được 10 phút, cậu con trai chạy về nói với mẹ "mẹ ơi bọn công an sắp tới" thật không may cô là người mới bán hàng ở đây dường như không tính toán được trước thời điểm cần chạy nhanh vì các anh công an đi 2 xe - 1 chiếc xe máy đi cùng với 1 chiếc ô tô thùng- vừa buông cốc nước, cô mới chỉ kịp chạy lên xe đã bị xe máy của công an áp sát, sau một hồi hỏi han tôi chỉ nghe mang máng giọng của một anh công an: "bán từ tối tới giờ mà chưa được gì sao?" sau đó có một anh tới hỏi giấy phép lái xe rồi hỏi nhiều thứ khác, thật không may cô bán nước chỉ mang mỗi bằng lái xe còn giấy tờ xe thì không mang theo người. Hai đứa bé ngây thơ lúc này đã chạy ra xa xa mẹ của chúng, dường như lúc này chúng cũng đang sợ hãi. Còn 2 anh công an thi nhau hăm dọa đủ đường, nào là thu xe, nào là thu bằng lái xe. Cuối cùng cô cũng bị lập biên bản và bị thu bằng lái xe, các anh đó hẹn 9h sáng ngày mai tới phường làm việc. Sau khi công an đi khuất dần dần tôi đã hiểu ra câu hỏi của các anh công an qua một người đứng kế bên "sao dại thế lúc ấy đưa cho chúng nó 100k có phải giờ không sao rồi không" kèm theo đó là tiếng thở dài, ai cũng thương cho mấy mẹ con. Còn thằng nhỏ con nhà cô bán nước chạy lại gần mẹ nó và nói với thái độ hậm hực: "tại mẹ, tất cả là tại mẹ, con đã bảo mẹ là bọn nó đến thì mẹ cứ nói không sao đâu cứ từ từ" rồi nó nhăn mặt. Còn đứa bé gái đang đi xung quanh lấy nốt những cốc nước mà khách bỏ lại. Người mẹ vẫn chẳng nói năng câu gì, vẫn lặng lẽ, khuôn mặt trầm ngâm thoáng buồn và có nhợt hơn nữa. Chúng tôi trả tiền và bước ra về trong lặng thinh, suốt quãng đường đi bộ về nhà tôi cứ nghĩ vẩn vơ, tôi nghĩ về sự vất vả cực nhọc của người mẹ, tôi nghĩ về mẹ tôi, nghĩ về những người phụ nữ cực nhọc ngoài xã hội kia. Nước mắt tôi đã rơi trong buổi tối đầy cảm xúc và những suy nghĩ về người mẹ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét